Với việc Grand Theft Auto IV lui ngày phát hành sang năm 2008, Halo 3 chắc chắn đã trở thành trò chơi bán chạy nhất của năm 2007 khi thu đến 170 triệu USD chỉ trong một ngày (ngày phát hành ấn tượng nhất trong lịch sử giải trí). Tuy nhiên, Master Chief còn một quãng đường rất xa để lọt vào top 10 này.
Halo 3 đã tạo ra một kỷ lục. Bộ phim bán chạy nhất là Spider-Man 3 cũng phải mất cả tuần mới thu về được 150 triệu USD. Nhưng ngay cả với thu nhập ‘khổng lồ’ như vậy, thương hiệu Halo vẫn chưa thể gia nhập vào top 40 thương hiệu game bán chạy nhất, chứ không nói đến top 10. Halo 3 tính đến thời điểm này đã bán ra 15 triệu bản, Halo 2 đã nghỉ ngơi ở mức 9 triệu. Trong khi đó, điều kiện để lọt vào top 10 là sản lượng xấp xỉ 50 triệu.
10. Gran Turismo
Bán hết: 47 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: Gran Turismo – PSX
Nổi tiếng với đồ họa thật nhất thời của PSOne với hàng đống xe cộ mua được bản quyền để xuất hiện trong môi trường 3D, khả năng độ xe và điều chỉnh cách điều khiển đa dạng, Gran Turismo đã trở thành ‘ngọn cờ đầu’ trong thế giới giả lập đua xe. Dù chỉ có 4 phiên bản được phát triển và bán ra, nhưng mỗi đại diện của thương hiệu này đều tạo được cơn sốt trong dịp phát hành.
9. Donkey Kong
Bán hết: 48 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: Donkey Kong – Arcade
Xuất phát từ cảm hứng của bộ phim cổ điển King Kong với những thùng rượu whiskey khổng lồ, ‘huyền thoại sống’ của làng phát triển game Shigeru Miyamoto đã thả lồng cho sinh vật kỳ quái của mình từ năm 1981. Cũng trong trò chơi này, một gã thợ mộc tên là Jumpman đã xuất hiện lần đầu tiên trong thế giới game để rồi sau đó chuyển nghề thành thợ sửa ống nước và có thương hiệu game của riêng mình, một gã mà giờ đây “ai-ai-cũng-biết-là-ai-đấy”: Mario.
8. The Legend of Zelda
Bán hết: 52 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: The Legend of Zelda: Ocarina of Time – N64
Nếu Mario là khởi điểm cho mọi thành công của Nintendo, thì người hùng Link của Zelda giúp ông lớn N ngự trị trên đỉnh vinh quang của làng trò chơi điện tử. Mỗi bản Zelda ra đời là một câu chuyện cổ tích fantasy nhập vai đánh dấu một thời kỳ mới của tiến bộ công nghệ.
7. Madden NFL
Bán hết: 60 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: Tất cả các game NFL
Đã từ 20 năm nay, cứ đến mùa hè là Madden lại có thêm một bản game mới. Chính vì lẽ đó, series này nghiễm nhiên chiếm vị trí trong top này. Nếu tồn tại được thêm… 10 năm nữa, có lẽ FIFA và PES cũng sẽ góp mặt vào danh sách.
6. Tetris
Bán hết: 60 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: Tetris – Nintendo DS
Nhà lập trình người Nga Alexey Pajintov gìn giữ ý tưởng của mình khá nhiều năm trước khi nhận ra cả thế giới đang si mê trò chơi này (ra đời năm 1989). Dù chỉ là một game đơn giản với mục đích giải trí trong thời gian ngắn, nhưng cuối cùng Tetris đã gây ra những cơn nghiện cả trong giờ làm việc lẫn lúc trời đêm khuya khoắt. Hiệu ứng của trò chơi đã gây ra hiện tượng ảo giác ở nhiều người khi họ lúc nào cũng nhìn thấy những khối hộp liên tục rơi xuống trước mắt mình, được gọi là Hiệu ứng Tetris. Không có bản quyền thương hiệu và sự quản lý hợp pháp, Tetris đã lang thang qua tất cả các nền game hiện hữu trên thế giới.
5. Grand Theft Auto
Bán hết: 65 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: GTA III – PS2
Ra đời từ rất lâu, nhưng phải đến 2001, GTA mới bắt đầu nổi lên như cồn với bản Grand Theft Auto III. Và kể từ đó, mỗi lần Rockstar ra một hậu bản của series này là một lần game giới dậy sóng với những cuộc tranh cãi không ngừng giữa phe ủng hộ game và phe bới móc những nội dung liên quan đến bạo lực, sex trong game. Dù yêu hay ghét, tất cả mọi người đều vẫn chơi GTA.
4. Final Fantasy
Bán hết: 75 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: Final Fantasy VII – PSX
Năm 1987, một công ty Nhật Bản có tên là Square Enix dành những nỗ lực vô vọng cuối cùng để sản xuất một trò chơi nhằm cứu vãn chuỗi thất bại liên tiếp. Họ đặt tên cho dự án game của mình là “Giai điệu cuối cùng” (Tạm dịch từ Final Fantasy). Và thế là một thương hiệu trò chơi khổng lồ ra đời. 30 hậu bản, phụ bản của game đã thi nhau xuất hiện và thống trị mọi vùng lãnh thổ trên thế giới. Hầu hết trong số đó có rất ít sự liên hệ với nhau ngoài dùng chung cái tên Final Fantasy.
3. The Sims
Bán hết: 90 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: The Sims – PC
Khi nhà thiết kế game mô phỏng Will Wright đưa ra tuyên bố đầu tiên về trò chơi ‘nhà búp bê’ The Sims, tất cả mọi người đều che miệng cười. Thế rồi rất rất nhiều người trong số đó đã suốt ngày ngồi lỳ bên PC để trở thành một sim, ăn, uống, làm, ngủ, nghỉ, giải trí… trong thế giới ảo. Và bây giờ, có những game thủ sẽ không sống nổi nếu EA không ra tiếp The Sims 3.
2. Pokemon
Bán hết: 164 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: Pokemon Red/Blue – Game Boy
Nhà ai cũng có trẻ em, và trẻ em đó dần phát triển thành người lớn. Mọi trẻ em đều biết đến Pokemon. Nhiều người lớn cũng vậy. Hiện tượng Pokemon bắt đầu từ năm 1996 với đợt phát hành cùng lúc 2 bản game có thể liên kết với nhau trên Game Boy, thu hút hàng triệu game thủ nhí ngày đêm thu thập, huấn luyện và đưa những con quái thú của mình vào trận chiến. Không chỉ ngự trị trong thế giới game, cái tên Pokemon còn gây sốt trên cả nền truyện tranh, lá bài và phim ảnh.
1. Mario
Bán hết: 195 triệu bản
Đại diện tiêu biểu: Super Mario Bros. – NES
Người duy nhất đại diện cho lĩnh vực thợ sửa ống nước được cả thế giới biết đến là Mario. Trong suốt 25 năm tồn tại, Mario không bỏ lỡ dịp nhảy nhót trên bất cứ nền game nào của Nintendo. Kinh doanh thương hiệu thành công hơn cả The Beatles, Mario đã đem về cho hãng game Nhật Bản 8 tỷ USD lợi nhuận.
Hic, mình mới chỉ từng chơi Mario 😀
Hic, mình mới chỉ từng chơi Mario 😀
Hãy thử thêm một trò nào trong danh sách xem, nếu bạn thích Mario thì nên chơi thêm Pokemon 🙂