Hai tháng đã qua, kể từ lúc tôi đăng bài viết về Động lực và sự trở lại. Thực tế là ngần ấy thời gian mà tôi không đăng thêm được bài viết nào cả. Tôi có một số bài đang viết dở, nhưng với bản tính tương đối cầu toàn, tôi không nghĩ mình có thể cho phép bản thân đưa lên một bài viết còn dở dang hay nội dung chưa chau chuốt.
Viết là một kỹ năng, bạn không thể tự nhiên mà viết giỏi hay đặt bút là thành nhà văn, nhà thơ như các thần đồng với các thánh thi ca ở nước Việt ta được. Đều là nói láo cả, được tung hô với nhiều mục đích khác nhau của một số cá nhân hay nhóm người nhất định – tập hợp mà tôi không muốn đề cập nhiều đến trong trang này.
Để viết tốt cần một quá trình luyện tập cả đời, muốn viết được hay bạn cần thêm chút gia vị tốt như khi nấu một món ăn ngon; đó là kỹ năng viết, cảm hứng, một sự kiện hay một biến cố của xã hội … Trớ trêu thay, không phải lúc nào những gia vị này phối hợp tốt hoặc là có cùng nhau, hay cùng tồn tại nhưng do tay nghề của đầu bếp quá kém nên món ăn đã tệ lại càng tệ hơn.
Xưa và Nay
Cách đây 15 năm, tôi lập website đầu tiên, lúc đó chúng là các website cá nhân chứ còn chưa gọi là blog. Với mục đích lưu giữ thông tin cá nhân và chia sẻ các sở thích, nội dung về games, manga … Cho đến giờ, tôi có 12 website khác nhau, từ blog cá nhân, shop bán hàng, công cụ hỗ trợ cá nhân, các Authority Websites bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, đóng góp code cho các phần mềm mã nguồn mở…
Nhìn lại quãng thời gian đã qua tôi thấy khá là ngưỡng mộ về khả năng của bản thân mình, ? cũng như khả năng viết và duy trì các websites nói trên chỉ với một người duy nhât là TÔI. Về thu nhập thì nó cũng chỉ đủ trang trải được chi phí duy trì, động lực lớn nhất cá nhân tôi cho rằng để làm được điều đó, thay vì nghĩ chúng là một sản phẩm / một công việc, tôi coi chúng là thú vui, sở thích cá nhân thứ mà ta có thể đầu tư về thời gian, tài chính đôi khi chỉ để cảm thấy thỏa mãn và nhìn thấy kết quả đúng như mong muốn của mình.
Quay lại với chủ đề chính, đó là VIẾT. Đã 2 năm, tôi gần như không còn viết gì, các thông tin lẻ tẻ tôi thường trích dẫn lại, hoặc đọc được cái gì vui và hay thì lưu lại để đọc. Có một số vấn đề của cuộc sống sẽ tác động đáng kể đến sở thích cũng như thói quen của mỗi người chỉ cần nó không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và mạng sống của bản thân như ăn, ngủ, … Vì thế bất kể cái gì, thói quen, sở thích, thú vui, nhu cầu… không có gì là không thể thay đổi, chí có nó thay đổi như thế nào mà thôi.
Lưu ý: Nội dung dưới đây theo quan điểm của tác giả, được tập hợp theo theo cảm tính và sẽ thay đổi hoặc bổ xung theo thời gian. ⚠️
Viết lách có gì vui
Chả vui gì đâu, tôi nói thật đấy, mệt pà cố, nó giống bạn học một ngôn ngữ không lời vậy. Nếu không có động lực mà vẫn cố gắng duy trì lịch viết thì nó giống như cực hình, thay vì những câu văn chau chuốt, phần lớn khi đó tôi chỉ muốn lồng các câu chửi thể vào. ?
Về mặt tích cực, cá nhân mình nhận thấy, việc viết thường xuyên làm tăng khả năng diễn đạt, giải thích về một vấn đề cụ thể, phải có sự lựa chọn về câu chữ để làm sao truyền tải được thông tin đến người đọc mà không bị lủng củng, lẫn lộn thậm chí là khó hiểu. Chính vì vậy rèn luyện kỹ năng viết giúp bạn giao tiếp và nói chuyện tốt hơn, thật đấy. ?
Quan trọng: Khi bạn viết một điều gì đó xuống, nó sẽ thực tế hơn so với những gì bạn chỉ để trong đầu và cách bạn viết nói cho người khác biết về sự hiểu biết và thông thạo của bạn.
Viết là để truyền tải thông tin, muốn rèn luyện kỹ năng viết cần phải luyện tập một cách nghiêm túc.
Duy trì thói quen viết thường xuyên và cố định giúp bạn cân bằng cảm xúc có tác dụng như một hình thức thiền, giảm stress, giảm lão hóa, thanh lọc cơ thể, … ? gì pa, quảng cáo thực phẩm chức năng đó hả. Dẹp, dẹp, nói tiếp đi.
Chuẩn bị gì trước khi viết
Để bắt đầu viết, bạn cần sự chuẩn bị. Là một người trưởng thành, tôi thật sự có kinh nghiệm với việc chuẩn bị và sự ngẫu hứng. Cá nhân tôi đã nhận khá nhiều bài học đau có, nhục có về sự không chuẩn bị kĩ càng trước một vấn đề đã lên kế hoạch trước.
- Ý tưởng và chủ đề sẽ viết
- Bạn viết cho ai: những người tầm tuổi bạn, những ông bà trung niên lớn tuổi khó mà tác động đến quan điểm sống của họ hay là những thanh niên mới lớn cần sự giật gân, một ít sếc, một ít ngôn tình …
- Dàn ý: Đừng coi thường, một phác thảo sơ bộ hay một dàn ý sơ lược luôn định hướng cho một nội dung hay và mạch lạc thay vì lủng củng vừa ăn cơm, lẫn chút bún thừa, thỉnh thoảng mắc cục xôi lạc.
- Sử dụng từ ngữ đơn giản, nội dung mạch lạc, độ dài vừa phải: bạn đừng đánh giá quá cao sự kiên trì của người đọc, nhất là trong thời điểm hiện nay thời gian quý hơn vàng, chả ai rỗi hơi đọc một bài viết của bạn dài vài trang A4, họ có nhiều mối quan tâm hơn trên mạng xã hội như là cô A hở chỗ nọ, bà B đánh ghen bồ, anh C xoạc trong WC, câu Đ đánh … Tại sao tôi nói là sử dụng từ ngữ đơn giản, nói một cách cũng đơn giản là, với một bài viết đầy rẫy các từ chuyên môn, học thuật thì chỉ được đọc trong các kì họp quốc hội hay là các buổi tổng kết, khai trương mà thôi. Skip hết!
Kinh nghiệm VIẾT
Lưu ý: Đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi tích lũy theo thời gian và trong các lĩnh vực mà tôi quan tâm, không có nghĩa là đúng nếu bạn áp dụng theo.
- Kỉ luật bản thân: Thật sự nghiêm khắc với bản thân để thực hiện và duy trì đúng lịch cũng như thời gian viết.
- Bắt đầu bằng quan điểm của người đọc, họ cần biết những thông tin gì trước và muốn đọc về nội dung nào.
- Bắt đầu với các chủ đề vừa phải, chia các chủ đề lớn thành nhiều bài theo chuỗi và tuyển tập.
- Độ dài bao nhiêu là phù hợp? Không phải cứ viết dài là hay hoặc hấp dẫn, một bài viết dài thường dễ rơi vào tình trạng nội dung lê thê, không tập trung vào chủ đề chính, diễn đạt thiếu mạch lạc … Với kinh nghiệm của tôi cùng với khá nhiều tài liệu về SEO, Skill thì một bài viết từ 800 đến 1500 từ là phù hợp. Bài học kinh điển trong viết lách là nguyên lí chiếc váy. Tức nó vừa đủ dài để tế nhị và cũng vừa đủ ngắn để gợi cảm. ? Ngắn dưới 500 từ giống như bạn đang mặc đồ lót còn dài trên 4000 thì nói thật nhé, dài thế đọc làm quái gì cho mất thời gian ?
- Sử dụng từ ngữ đơn giản, đời thường, hạn chế sử dụng các nội dung hoặc các từ chuyên môn / chuyên ngành, các từ viết tắt, các từ lóng ít thông dụng làm cho các đoạn văn trở nên tối nghĩa.
- Đọc sách, blog, tạp chí nhiều hơn, đọc có chọn lọc. Để nhặt ra những ý tưởng, đoạn văn, học cách sử dụng từ, câu và cập nhật thông tin mới.
- Đọc lại vài lần trước khi bấm nút đăng bài. Việc đọc lại giúp phát hiện các lỗi hành văn, ngữ pháp, câu từ, thời gian đầu còn cho thấy mức độ hành văn của bạn đến đâu, có uyển chuyển ko, có hấp dẫn không. Đừng quá chú trọng sửa làm sao cho hay, vì ban đầu không phải ai cũng viết hay ngay được.
- Để người khác nhận xét bài của bạn, lắng nghe và tiếp thu một cách cầu thị có rất nhiều lỗi mà bản thân người viết trong quá trình viết không thể nhận ra được. Giống như người chơi cờ sẽ không thoáng như người ngồi ngoài xem vậy.
- Viết một cách thường xuyên, đừng lo lắng về ngữ pháp, câu cú, hay cần phải có khả năng. Viết khi bạn có thể, đừng ngừng lại cho đến khi bạn viết xong. Đừng quên duy trì đều đặn nó như môt thói quen. Công việc viết lách đòi hỏi rất nhiều cảm xúc và không phải lúc nào cảm xúc cũng đến với bạn dễ dàng. Vậy nên hãy nắm bắt cơ hội khi nó đến.
Còn nữa …