Con đường của Archers

Arch Linux Logo
Arch Linux Logo

Ấy, ấy, Archers là Arch Linux Users nhá, không phải cung thủ (người bắn cung) đâu. Vâng là Arch Linux, tôi đã quyết định chuyển sang sử dụng Arch Linux từ 3 tháng nay, với 3 lần cài lại cuối cùng cũng có một bản phân phối Linux đúng ý và theo tiêu chuẩn cá nhân :)). Có thể bạn không biết, Arch Linux là bản phân phối có số lượng người dùng lớn thứ 3 trong cộng đồng Linux (số liệu trên DistroWatch)

Tại sao tôi chọn Arch Linux

Nếu bạn dùng Ubuntu hay một trong những bản phân phối Linux phổ biến khác như Fedora, OpenSUSE, Debian… hoặc trong tất cả các phiên bản của hệ điều hành Windows hẳn ai cũng có cùng một vấn đề, đó là có quá nhiều phần mềm, công cụ, gói… không cần thiết, thậm chí chả bao giờ bạn sử dụng đến. Đối với tôi cũng vậy, quá nhiều thứ thừa thãi, thừa là một gánh nặng, khi đó bạn sẽ cần phải bỏ thời gian để nó hoạt động theo ý bạn, như thế vô tình chúng ta lại bước một chân vào lối mòn suy nghĩ của nền tảng Windows. Đó là “tối ưu, tối ưu rồi cài lại và tối ưu…” =)) Vậy tại sao mình không tìm một bản phân phối chỉ có các thành phần chính cần có để từ đó có thể tự cài đặt, thiết lập các phần mềm, công cụ theo ý mình. Đến đây hẳn bạn đã biết phần nào nguyên nhân tôi chuyển sang sử dụng Arch Linux phải không? Đấy chỉ là một trong những lý do, lý do chính để tôi lựa chọn bản phân phối Linux này chính là phương châm phát triển hay nói một cách văn vẻ là Triết lý của Arch Linux, đó là “Đơn giản, Tinh tế, Tùy biến và Hiệu quả”
Tại sao phải đơn giản, tôi có nhớ một câu nói của Leonardo De Vinci “Đơn giản là đỉnh cao của sự phức tạp” đôi khi còn được nói là “”Đỉnh cao của cái đẹp là sự giản dị” Một ví dụ thực tế, triết lý phát triển sản phẩm của Apple, Google là sự đơn giản, phong cách này được thể hiện trong toàn bộ các sản phẩm của họ, đơn giản nhưng tinh tế đem lại sự hài lòng của phần lớn khách hàng. Có lẽ không một sản phẩm nào có thể đáp ứng và làm hài lòng tất cả các khách hàng, nhất là một hệ điều hành máy tính nhưng có một cách có thể khiến phần lớn người dùng cảm thấy hài lòng, đó là để người dùng tự do lựa chọn các thành phần cho hệ điều hành mình sử dụng.
Tôi có một vài so sánh nhỏ giữa Arch Linux và Ubuntu:
Đối với riêng Ubuntu, nhắm đến sự ổn định tốt nhất có thể, chính vì thế quy trình kiểm tra và chấp nhận một phần mềm mới được sử dụng trong hệ điều hành Ubuntu rất khắt khe, người dùng có thể không được sử dụng phiên bản mới nhất hay thời gian cập nhật nâng cấp kéo dài hơn bình thường.
Trên Ubuntu có PPA và Arch có AUR là những nguồn đóng góp bởi cộng đồng tuy nhiên về cảm nhận thì AUR nhiều hơn, đơn giản hơn và khi biên dịch từ mã nguồn hoặc từ một nguồn khác tương thích với Arch thì người dùng có thể biết được mình đang làm gì với PKGBUILD, rất ít gói có thể cài trực tiếp từ AUR trong khi PPA trên LaunchPad phần lớn được cung cấp dưới dạng đóng gói .deb sẵn để cài trực tiếp ít khả năng tùy biến, nếu bạn chịu khó tìm hiểu có thể sửa lại PKGBUILD để có được phiên bản mới nhất hoặc thay đổi gói cài đặt theo ý bạn.
Tất nhiên, quan điểm của mỗi người một khác nếu bạn nhắm đến một hệ điều hành ổn định, bao gồm đủ công cụ sau khi cài đặt (có thể thừa cũng chả sao) yêu cầu bảo mật tốt và không chạy đua công nghệ thì Arch Linux không phải là bản phân phối tốt cho bạn, hãy sử dụng các bản phân phối nhắm đến người sử dụng cuối như Ubuntu, Linux Mint, Pinguy ….

Được gì và mất gì

Khi sử dụng một bản phân phối mới thì thói quen làm việc cũng thay đổi theo triết lý của bản phân phối đó. Khi chuyển sang Arch Linux tôi cảm thấy khó khăn hơn, thứ nhất là Môi trường đồ họa, bạn sẽ phải tự lựa chọn Môi trường đồ họa mình muốn sử dụng (một lý do tôi từ bỏ Ubuntu chính là môi trường đồ họa của nó, Unity và GNOME3 rối rắm và bất tiện, tinh giản không đúng chỗ), tự quyết định các phần mềm chính cần sử dụng, tự kiểm soát mức độ bảo mật của hệ thống… Arch Linux không dành cho những người mới làm quen bởi nó yêu cầu bạn có một kiến thức nhất định về Linux, biết cách cấu hình hệ thống…
Mất thời gian quản trị hệ thống là điều dễ nhận thấy đối với những người mới sử dụng Arch Linux, triết lý của Arch Linux đôi khi khiến bạn bối rối, phải tự đọc tài liệu và tìm kiếm lỗi mình gặp phải tuy nhiên các thành viên của Diễn đàn Arch Linux rất nhiệt tình hỗ trợ, tài liệu nhiều và tương đối chi tiết…
Cá nhân tôi cho rằng, nếu bạn đã làm quen với Linux và có khả năng sử dụng trong công việc hàng ngày thì bạn nên dùng Arch Linux bởi vì trong quá trình sử dụng bạn sẽ hiểu hơn về Linux, về những kiến thức chuyên sâu của hệ thống…

Định hướng và kế hoạch

Nếu bạn có ý định sử dụng Arch Linux, tôi khuyên bạn nên vạch ra kế hoạch, nhu cầu, mức độ thực hiện trước khi bắt tay vào xây dựng hệ điều hành của riêng mình tránh phân tán và biến nó thành một đống hổ lốn cái gì cũng có mà không có cái nào ra hồn.
Dưới đây là hệ điều hành của tôi:

    • Môi trường đồ họa (Desktop Environment): XFCE4, phần lớn người sử dụng Arch Linux đều dùng OpenBox (đánh giá thông qua nội dung của Diễn đàn hỗ trợ) Open Box không phải là DE mà nó chỉ mới đạt mức Quản lý khung (Windows Manager) nhưng nó hoàn toàn đáp ứng Triết lý Arch Linux. Tôi lựa chọn XFCE4 vì đây là một DE theo phong cách truyền thống (GNOME2, KDE3…) thực sự nhẹ, các tính năng được bổ xung dưới dang plugins và đủ dùng không quá nhiều và không quá ít, đặc biệt là chương trình quản lý tập tin Thunar, cá nhân tôi thấy có lẽ đây là chương trình quản lý tập tin tốt nhất, có khả năng tự bổ xung tính năng theo yêu cầu của người dùng. Tương lai, tôi sẽ thử nghiệm với OpenBox
    • Phần mềm văn phòng: Microsoft Office 2007 Ultimate Edition, sức mạnh của phần mềm này thực sự không thế chối cãi, có lẽ đây là sản phầm của Microsot mà tôi hài lòng nhất. Tôi có một Giấy phép sử dụng hợp pháp (Geanuine License) đã mua trong dịp Black Friday năm 2008, để sử dụng nó bạn cần Wine hoặc CrossOver. Chính vì vậy, LibreOffice hay một số phần mềm văn phòng không còn là lựa chọn của tôi nữa. Một số phần mềm khác cần thiết như GoldenDict – hỗ trợ rất nhiều định dạng từ điển như Babylon, StarDict… Calibre – công cụ quản lý tài liệu, sách, tạo mới và chuyển đổi các định dạng sách… Evince GTK đây là phần mềm đọc các dạng tài liệu phổ biến rất nổi tiếng trên Ubuntu, bạn có thể cài phiên bản GTK từ AUR.
    • Phần mềm mạng và giao tiếp: RSSOwl để đọc và lưu trữ tin, bài viết, PidginSkype để chát và thảo luận, FirefoxMidori là hai phần mềm duyệt web tôi thường xuyên sử dụng, tất nhiên là OperaChromium ngay cả Links cũng được tôi cài đặt với mục đích thử nghiệm các dự án đang và đã làm;  jDownloader cũng là phần mềm cần thiết để tải xuống từ hầu hết các trang chia sẻ tập tin trên mạng. đối với torrent thì transmission-cli là giải pháp tối ưu, gọn nhẹ và quản lý qua web có thể sử dụng bất kỳ đâu, trực quan và theo phong cách Mac OS. Ngoài ra còn có ThunderBird (tôi đang tìm hiểu Sypheed bởi vì ThunderBird đang trở nên cồng kềnh và nặng nề) dùng để quản lý email và Tor cho một số nội dung không truy cập được.
    • Sao lưu và bảo mật: DropboxUbuntu One là hai giải pháp lưu trữ trực tuyến cần thiết. Tôi dùng rsync cho hầu hết các tác vụ sao lưu cục bộ và từ các máy chủ trên mạng. TrueCrypt cho các thông tin cá nhân quan trọng.
    • Dự án cá nhân: LAMP được xây dựng khá đầy đủ cho các yêu cầu của công việc. Filezilla để truyền dẫn và cập nhật nội dung trên các máy chủ. Các phần mềm soạn thảo và lập trình tôi dùng MeditGVim cho các mục đích khác nhau. Tất nhiên là phải có GIMP để xứ lý đồ họa
    • Giải trí: tôi dùng Tagscan để quản lý và sửa các ID của các tập tin đa phương tiện, đây là một phần mềm hoạt động trên môi trường Windows nhưng có thể sử dụng được trên Linux thông qua Wine, CrossOver… các tính năng như tìm kiếm thông tin, đổi tin, thay đổi nội dung… hết sức hiệu quả, đây là một phần mềm không thể thiếu đối với những người có các bộ sưu tập lớn. Phần mềm nghe nhạc của tôi là Audacious sau rất nhiều thử nghiệm và thay đổi như Banshee, Googles Music Manager, Exaile, Rhythnmbox… Brasero để ghi đĩa CD/DVD và xem video bằng UMPlayer (một nhánh của mplayer) ngoài ra tôi còn dùng Arista để chuyển đổi các video cũng như dbPowerAmp (tất nhiên là có bản quyền) để chuyển đổi các tập tin âm thanh. Thi thoảng tôi có dùng Cheese cho webcam có sẵn trên laptop.
    • Trò chơi: Thực tế thì tôi vẫn chơi các trò chơi điện tử trên máy bàn, trên laptop tôi chỉ cài một số phần mềm giả lập các hệ máy cũ, những hệ máy gắn liền với thế hệ 8x như NES, SNES, SEGA GENESIS, PlayStation….
    • Quản trị hệ thống: Bao gồm khá nhiều phần mềm như iotop, Docky, Catfish, rar, 7zip…. Ngoài Thunar tôi có dùng thêm Sunflower-fm để quản lý tập tin vì Thunar không hỗ trợ tab và dual panel nên khi cần làm việc với một số lượng lớn tập tin và thư mục thì khá là bất tiện. UNetBootin và GParted để làm việc với các phần vùng và cài đặt hệ điều hành. Máy ảo VirtualBox là giải pháp hoàn chỉnh cho các phần mềm không thể chạy tốt trên Linux. Trong một đợt khuyến mại, tôi mua được License của CrossOver Standard và CrossOver Games với giá thỉ 15$ cho bộ công cụ này, hiện toàn bộ đã hết hạn Support và Updates (tôi dùng tiếng anh cho đủ nghĩa) nhưng các thiết lập cũ cho một số phần mềm cần thiết trên Windows vẫn sử dụng tốt (hết hạn Hỗ trợ và cập nhật mới để chạy các phần mềm).

u

Hệ thống của tôi nếu làm việc bình thường thì chỉ sử dụng khoảng 158 – 206MB RAM, lượng RAM và CPU chỉ tăng khi tôi dùng Firefox bởi vì tôi thường mở rất nhiều tab trên Firefox, tầm 150 – 200 tabs. Tôi chưa có đủ thời gian để thử nghiệm hệ thống nhưng đối với mỗi lần cập nhật, hệ thống đều hoạt động trơn tru hơn rất nhiều so với Ubuntu.

8 thoughts on “Con đường của Archers”

  1. good article, em đang học hỏi về Archlinux, thanks vì bài viết của anh.

    • Cứ thử nhé, nếu không chắc thì thử trên máy ảo. Lúc đầu tôi cũng lưỡng lự nên dùng Ubuntu trước, sau mới thấy tiếc là không dùng Arch Linux ngay từ đầu.
      Nhưng cần chú ý là nên có một kiến thức cơ bản trước khi dùng thử nhé 🙂

  2. Anh viết thêm một bài về “nên có một kiến thức cơ bản trước khi dùng thử Arch Linux ” đi ạ.

    • Cám ơn bạn đã quan tâm, đúng là để dùng Arch Linux thì cần mộtlượng kiến thức cơ bản nhất định, trong tuần tới mình sẽ viết một bài về những lưu ý khi bắt đầu với bản phân phối này

  3. Bác narga config thế nào mà chỉ có 158 – 206 MB RAM vậy :(. Em khởi động lên đã hết ~400mb RAM rồi (xài XFCE (remove panel của nó và xài Avant)).

  4. Có thể là do bạn cài nhiều thành phần của nó quá, 2 gói xfce4 và xfce4-goodies chỉ cài một vài thành phần cơ bản, rất nhiều thứ không cần thiết như eye, netload, disk perk, tumbler, xfwm4-theme, weather, netload…
    Bản thân Avant Dock tốn khá nhiều RAM rồi, mình dùng plank, rất nhẹ và chỉ 1 hiệu ứng

  5. @Quân: Mình chỉ cài gói xfce4 cơ bản, không cài gói xfce4-goodies thì cũng đã xấp xỉ 200MB RAM rồi. Mở một vài chương trình lên thì nó lên tới tầm 600MB.

  6. Sử dụng nhiều RAM phần lớn là do các chương trình sử dụng các bộ gui (tự dưng quên mất từ diễn tả) riêng biệt, XFCE4 được xây dựng trên GTK2 và đang chuyển dần lên GTK3. Khi bạn chạy một chương trình không phải thuần gtk2 thì hệ thống sẽ phải nạp thêm các thư viện tương ứng, chẳng hạn như các chương trình sử dụng Qt, GTK3, Java… nên sẽ yêu cầu nhiều RAM hơn.
    Với các máy tính hiện nay thậm chí cũ hơn vài năm, sử dụng XFCE4 thật sự rất nhẹ nhàng và lượng RAM không còn là vấn đề cần quan tâm nữa.
    Nếu bạn muốn một hệ thống tốn ít tài nguyên, hiệu năng cao (trả giá bằng sự bóng bẩy của đồ họa giao diện) thì có thể sử dụng các WM thay vì các DE như Openbox, Xmonad, fluxbox…

Comments are closed.