Khoan, chờ đã, clgt, đây là game haiten (hentai) chứ có phải là Fire Emblem (Mộc đế, Hỏa ấn) đâu 🤬
Bạn không nhìn nhầm đâu, đây đúng là trò chơi Hỏa ấn phiên bản Anh hùng (Fire Emblem Heroes) hay trước đây người Việt vẫn còn gọi là trò Mộc đế ( vui lòng bấm vào đọc ở dưới đây để biết tại sao gọi là mộc đế). Và cái hình ở trên, là một trong nhưng tranh (art) cảm hứng từ đợt giới thiệu (banner) các nhân vật có phong cách mùa hè vừa qua (summer heroes).
Đây là một trong những trò chơi đi cùng tuổi thơ và cũng là một trong những thể loại yêu thích của mình (chiến thuật theo lượt). Mặc dù nó đã phát hành hơn 3 năm nhưng đến giờ mình mới chơi bởi vì giờ mới rảnh 😏, Nintendo vẫn chưa hỗ trợ Việt Nam, muốn chơi phải tải từ vùng địa lý khác hoặc tự cài bên ngoài.
Vì sao có nội dung này?
Ngoại trừ các trò chơi có tính giải trí đơn thuần bấm và bấm, thể loại chiến thuật đòi hỏi người chơi cần có một lượng kiến thức nhất định về cốt truyện cũng như nhân vật, luật, vật phẩm …. trong trò chơi thì mới có thể chơi tốt và chơi lâu dài được.Trò chơi này có rất nhiều phiên bản, lượng nhân vật khổng lồ, cốt truyện khác nhau, mối quan hệ cùng những đặc trưng riêng của mỗi dòng máy. Để chơi phiên bản Hỏa ấn Anh hùng, mình đã phải tìm hiểu lại toàn bộ các thông tin của trò chơi này, nghiên cứu các hướng dẫn, đánh giá từ nhiều nguồn. Bởi lượng thông tin rất lớn, nhằm rút ngắn thời gian nắm bắt để chơi được thì các thông tin cần được hệ thống hóa, chính vì vậy mình ghi chép lại đây để lưu trữ và tra cứu nhưng nó đặc biệt hữu ích nếu bạn cũng mới chơi như mình.
🔥 Ghi chú:
- Mình cố gắng chuyển ngữ các thuật ngữ, tên một số phiên bản trò chơi ngoại trừ tên nhân vật, địa danh, tên riêng… một cách đơn giản theo văn phong của cá nhân, nó có thể không hoàn toàn chính xác hoặc đúng ý người đọc, nhưng đây là một sở thích riêng, bạn đọc có thể góp ý để điều chỉnh.
- Các thuật ngữ, tên được chuyển ngữ có ghi chú tên gốc.
- Nội dung được tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, blog, wiki, hướng dẫn trò chơi… được tổng hợp theo quan điểm, kinh nghiệm của cá nhân.
- Việc đăng tải lại toàn bộ nội dung cần thông báo với mình và dẫn nguồn, nên trích dẫn và liên kết lại vì nội dung này sẽ được cập nhật trong tương lai.
- Giấy phép chia sẻ tuân theo Giấy phép Công cộng: Ghi công, Phi thương mại, Không phái sinh và Chia sẻ tương tự.
- Bài viết này được viết trong quá trình chơi Hỏa ấn: Anh hùng (Fire Emblem Heroes) nên các thông tin, ví dụ sẽ được ưu tiên sử dụng hơn các phiên bản khác.
- Các nhận xét, đánh giá, cách xây dựng nhân vật và phát triển trò chơi hoàn toàn theo phong cách, sở thích cá nhân. Vui lòng góp ý tích cực thay vì công kích.
Nội dung trò chơi Hỏa ấn Anh hùng (thông tin, hướng dẫn, chú giải)
- Cơ chế của trò chơi.
Tại sao gọi Fire Emblem là Mộc đế
Fire Emblem chính là cách gọi theo kiểu tiếng Anh của cụm từ tiếng Nhật “Honoo no monshō”, có thể chuyển ngữ âm Hán thành Hỏa ấn. Cộng đồng người chơi Việt thường gọi các phiên bản (phụ bản) này bằng cái tên “Mộc Đế Chiến Kỷ” hay đơn giản là “Mộc Đế”. Nguồn gốc của cách gọi này vẫn chưa được xác minh, theo nhiều nguồn tài liệu mà mình có cơ hội tiếp xúc (1, 2, 3…), cá nhân mình có vài giải thích đơn giản như sau:
- Phiên bản Hỏa ấn (Fire Emblem) đầu tiên được biết đến rộng rãi tại Việt Nam chính là Monshō no Nazo (phát hành năm 1994) trên hệ máy Super Famicom. Mặc dù Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi là phiên bản đầu tiên trong series, nhưng nó được phát hành trên máy Famicom và ít thông dụng tại Việt Nam lúc bấy giờ. Cái thời đó, ta chỉ chơi bắn tăng và nấm mà thôi.
- Trước khi Monshō no Nazo được phát hành (1994) thì hãng Enix (hiện giờ là Square Enix) đã phát hành game chiến thuật theo lượt Jutei Senki (樹帝戦記) trên máy Super Famicom. Jutei Senki là cách đọc Hán-Nhật của chữ Hán 樹帝戦記, nếu đọc theo Hán-Việt sẽ là “thụ đế chiến ký”. Chữ “thụ” (樹)và chữ “mộc” (木) tuy viết khác nhau nhưng nghĩa gần nhau nên thường bị nhầm lẫn với nhau. Chữ “ký” và “kỷ” , nếu viết chữ Hán sẽ khác nhau nhiều. Nhưng khi biểu ký bằng mẫu tự La Tinh thì lại dễ nhầm lẫn với nhau (giữa dấu sắc và dấu ngã), nhất là khi viết tháu. Đương thời, kinh doanh quán chơi điện tử là một hoạt động rất phổ biến và kiếm bộn trong xã hội. Nhiều quán điện tử soạn sẵn một bảng danh sách những game mình có để khách đến chơi có thể yêu cầu. Danh sách này thường được viết tay và như vậy, rất có thể Jutei Senki (thụ đế chiến ký), một trong những game nhập lậu về lúc bấy giờ đã trở thành “Mộc Đế Chiến Kỷ” theo cách đó. Nhiều địa phương trong nước còn gọi Jutei Senki là “Mộc Đế 1”.
- Hầu hết các chủ quán điện tử chỉ mua trò chơi về theo yêu cầu của khách, đương nhiên là tên sẽ được truyền lại từ nơi này qua nơi khác theo danh sách. Đương thời, ý thức phân biệt thể loại trò chơi trong cộng đồng hầu như chưa có. Có rất nhiều thể loại chiến thuật nhưng chúng chỉ được gọi chung là “dàn trận”; thể loại thể thao thường được gọi bằng tên của chính môn thể thao đó như “đá banh”, “đá bóng”… thể loại đối kháng thường được gọi ngắn gọn là “đánh nhau”, “đánh lộn”, “đấu võ”. Thói quen gọi này còn kéo dài đến bây giờ. Chính vì thế, tuy Jutei Senki và Fire Emblem thuộc hai kiểu chiến thuật khác nhau nhưng tựu trung đã bị đánh đồng thành “dàn trận” trong ý thức của giới chơi trò chơi điện tử đương thời.
- Bởi Jutei Senki là trò chơi mở đầu cho thể loại chiến thuật nên khi bản Fire Emblem Monshō no Nazo xuất hiện. Nó dễ dàng được đặt tên là Mộc đế 2, rồi đến bản Seisen no Keifu được gọi là “Mộc Đế 4”, Thracia 776 được gọi là “Mộc Đế 5”…