Hệ điều hành Android™ đã trở thành một trong những hệ điều hành dành cho các thiết bị di động phổ biến hàng đầu thế giới trong thời gian gần đây. Những nhà sản xuất đã ra mắt rất nhiều mẫu máy sử dụng hệ điều hành Android, từ phân khúc phổ thông cho đến cao cấp giúp người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn điện thoại phù hợp với túi tiền của mình. Một vấn đề thường xảy ra khi chuyển sang một điện thoại mới nhất là một hề điều hành mới thuộc dòng điện thoại thông minh, đó người dùng thường phải tìm hiểu mày mò cách sử dụng, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn một số kiến thức cơ bản về hệ điều hành Android này.
Giới thiệu
Android trong tiếng Anh có nghĩa là một loại robot thiết kế mô phỏng hình dáng và cách làm việc như con người. Hệ điều hành Android ban đầu được phát triển bởi công ty Android Inc. dựa trên nền tảng của hệ điều hành Linux dành cho các thiết bị di động, hiện nay nó còn được sử dụng trong các thiết bị khác như Đầu phát HD, TV thế hệ mới… Để chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống tìm kiếm trên lĩnh vực di động, năm 2005 Google đã quyết định mua lại Android Inc. đánh dấu bước chân đầu tiên của mình vào thị trường di động. Cùng với phương châm và quan niệm phát triển sản phẩm của Google, Android được họ tiếp thị đến các nhà sản xuất thiết bị cầm tay và các nhà mạng trên những tiền đề về việc cung cấp một hệ thống mềm dẻo, có khả năng nâng cấp mở rộng cao, hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng giúp tạo ra các phần mềm, trò chơi hấp dẫn với công cụ Đến năm 2007, Liên minh thiết bị di động mã nguồn mở (Open Handset Alliance) được thành lập bao gồm Texas Instruments, Broadcom Corporation, Google, HTC, Intel, LG, Marvell Technology Group, Motorola, Nvidia, Qualcomm, Samsung Electronics, Sprint Nextel và T-Mobile nhằm phát triển một chuẩn cho các thiết bị cầm tay mã nguồn mở. Chính nhờ các tiếp thị sản phẩm hiệu quả, thành lập liên minh và chuẩn di động mã nguồn mở đã giúp Hệ điều hành Android được sử dụng nhiều nhất, nhanh chóng đưa doanh số của các thiết bị này vượt lên các thiết bị của Nokia, BlackBerry, Apple… đứng đầu thế giới về số lượng thiết bị kích hoạt trong ngày.
Thiết bị
Các thiết bị chạy hệ điều hành Android hiện nay đều có cấu trúc chuẩn của các thiết bị di động thông minh, bao gồm:
- Màn hình: Hệ điều hành Android được thiết kế tối ưu cho màn hình cảm ứng với các biểu tượng, kích thước chữ, thao tác khi sử dụng, hỗ trợ đa chạm, hỗ trợ đa dạng về độ phân giải của màn hình …. Chính vì thế phần lớn màn hình của các thiết bị sử dụng Android đều là màn hình cảm ứng (cảm ứng điện dung, điện trở, ánh sáng…) chỉ có một số ít các thiết bị đặc biệt mới sử dụng màn hình thông thường.
- Bàn phím: Do hệ điều hành tối ưu cho màn hình cảm ứng cho nên phần lớn bàn phím dành cho các thiết bị này đều là bàn phím cảm ứng, có một số ít các thiết bị chạy các phiên bản cũ của Android có sử dụng bàn phím cứng.
Mỗi thiết bị Android đều có 2 bàn phím là bàn phím nhập liệu dùng để nhập nội dung và bàn phím chức năng. Bàn phím chức năng là một cụm các phím có chức năng riêng biệt và chúng đặc trưng cho hệ điều hành Android gồm có các phím: Home, Menu, Back, Vol +, Vol -, Power, Camera, Search được bố trí và có số lượng tùy theo nhà sản xuất và loại máy.
- Kết nối dữ liệu: Các thiết bị di động Android hiện nay đều hỗ trợ hầu hết các phương thức truyền dẫn dữ liệu như GPRS, EDGE, UMTS, WIFI… trên cùng một thiết bị, đảm bảo việc kết nối và truyền dẫn dữ liệu một cách tốt nhất.
- Máy ảnh: Giống như các thiết bị di động khác trên các thiết bị chạy Android đều có máy ảnh. Một điểm đặc biệt của các thiết bị này đó là người sử dụng có thể sử dụng tối đa các chức năng và can thiệp vào các tính năng của máy ảnh thông qua rất nhiều ứng dụng, điều mà các thiết bị khác không làm được do được xây dựng trên mã nguồn đóng.
- Các thiết bị khác: Ngoài các thành phần cơ bản trên đây, các thiết bị sử dụng Android còn có những thành phần khác như đèn LED, ống kính, tai nghe, đèn Flash… tùy theo loại máy và hãng sản xuất.
Hệ điều hành
Hệ điều hành Android bao gồm các thành phần chính sau:
-
Launcher: Thuật ngữ chỉ các thức quản lý màn hình chính của thiết bị nó bao gồm các Widget (ứng dụng nhỏ có chức năng riêng biệt) nút truy cập vào danh sách các ứng dụng đã cài đặt, biểu tượng shortcut cho các ứng dụng, thông tin của hệ thống… nói đơn giản nó là ứng dụng màn hình chính của thiết bị. Android là hệ điều hành mã nguồn mở, chính vì vậy ngoài Launcher của nhà sản xuất (Stock Launcher) do các hãng sản xuất thiết bị viết riêng hay của Google, còn có các Launcher do các nhà phát triển ứng dụng viết ra với mục đích làm cho màn hình chính đẹp hơn, tối ưu, hay theo yêu cầu cá nhân.
- App Drawer: Đây là một thành phần hết sức quan trọng của Android với vai trò chính là liệt kê tất cả những ứng dụng hiện có trong thiết bị của bạn. App Drawer sẽ được kích hoạt khi chúng ta nhấn vào một nút xác định trên Launcher (thay đổi tùy theo Launcher). App Drawer là một bộ phận gắn liền với Launcher, do đó mỗi Launcher sẽ có một App Drawer mang phong cách của riêng mình. Với những Launcher mặc định hoặc OEM Launcher, chúng ta không thể tùy biến nhiều với App Drawer. Với những Launcher của các nhà phát triển, ta có thể điều chỉnh số biểu tượng trong một dòng, hiện nút Home, chỉnh tốc độ xuất hiện của App Drawer, chỉnh hiệu ứng duyệt ứng dụng,…
- Thanh trạng thái: Thanh thông báo trạng thái là đối tượng phía trên cùng của màn hình, nơi đặt các biểu tượng pin, đồng hồ,… Chức năng của thanh trạng thái là hiện thị những thông báo mà các ứng dụng muốn thông báo đến người dùng, chẳng hạn như có tin nhắn mới, nhạc đang chơi, có cuộc gọi nhỡ, có người Add chúng ta trên Facebook, Yahoo Messenger vừa có người chat với ta,… Những thông tin này sẽ được hiển thị ở phần bên trái của thanh trạng thái, từ trái sang phải, theo thứ tự thời gian của từng sự kiện. Phần bên phải của thanh trạng thái được dùng để hiện giờ, dung lượng pin còn lại, kết nối mạng Wifi, mạng di động, Bluetooth…
Đặc biệt, thanh trạng thái của Android có thể kéo xuống để hiển thị thêm thông tin về sự kiện được thông báo và thông tin nhà mạng của người dùng. Khi muốn mở ứng dụng đang thông báo sự kiện nào đó, người dùng chỉ cần nhấn vào thông báo tương ứng. Một số Launcher còn tích hợp một số nút vào phần mở rộng của thanh trạng thái như nút tắt mở wifi, bluetooth, nút restart. - Widget: Khái niệm widget có nghĩa là một thiết bị nhỏ, đính kèm theo một dụng cụ nào đó. Trên Android, bạn có thể hiểu widget chính là những ứng dụng nhỏ gắn trên màn hình chính của Launcher. Những ứng dụng nhỏ này có khả năng liên kết và hiển thị thông tin từ các ứng dụng lớn khác hoặc thực hiện những chức năng của riêng nó, không phụ thuộc vào ứng dụng nào. Widget chỉ mới xuất hiện trên thiết bị di động trong những năm gần đây. Nhờ vào màn hình cảm ứng, việc thêm/xóa, di chuyển, sắp xếp và sử dụng widget đã trở nên dễ dàng hơn.
Widget trong Android rất đa dạng, bao gồm widget có sẵn và widget chúng ta cài thêm. Các widget có sẵn thường là những widget đi kèm theo Launcher. Bản thân Android cũng được Google trang bị sẵn một số widget hữu dụng nhưng đối với người dùng thì những Widget này vẫn không đủ.Giao diện Sense UI của HTC hay MIUI cũng có những widget đẹp và giúp đỡ người dùng rất nhiều trong việc sử dụng máy.
Tuy hữu dụng là thế nhưng widget vẫn có những hạn chế của nó. Trước hết, widget cũng là một ứng dụng, mà ứng dụng đã chạy là có hao tốn RAM. Vì lẽ đó, càng nhiều widget bạn thêm vào màn hình chính, bạn càng có ít dung lượng RAM hơn. Một số widget đòi hỏi có kết nối Internet để cập nhật dữ liệu (chẳng hạn như widget Facebook hay widget News & Weather) sẽ làm bạn mất cước phí. Những người mới sử dụng Android thường hay thắc mắc vì sao tài khoản của mình bị hao hụt nhanh mà không biết vì sao thì đây chính là một trong những nguyên nhân. Quá nhiều widget cũng khiến cho giao diện chính của chiếc máy xấu đi nếu như bạn không khéo sắp xếp. Những lỗi Force Close sẽ thường xuyên xảy ra vì bộ nhớ RAM bị quá tải. -
Lock Screen: Lock Screen là một thành phần thuộc hệ thống của Android. Lock Screen là nơi mà bạn cần kéo thanh trượt (hoặc các động tác tương tự) để mở khóa máy và bắt đầu sử dụng. Tại Lock Screen, thông tin về ngày tháng, giờ, báo thức,… sẽ được hiển thị. Một số Lock Screen của nhà sản xuất thiết kế còn có thể hiển thị tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ, phím điều khiển việc chơi nhạc…
Lock Screen có hai đối tượng chính mà ta có thể sử dụng, đó là hai thanh trượt “Unlock” và “Sound Off/On”. Chức năng của thanh trược Unlock quá đơn giản để hiểu, đó là để mở khóa máy. Một số Lock Screen không dùng cách trượt để mở khóa mà dùng việc ghép biểu tượng (Samsung, MIUI), trượt xuống (HTC Sense UI),… Về thanh trượt Sound Off/On, nó sẽ chuyển thiết bị của bạn sang chế độ im lặng hay chế độ bình thường. Đối với các thiết bị sử dụng Android 2.1, thanh trượt này sẽ đưa máy vào chế độ Silent, im lặng hoàn toàn, không rung cũng không có nhạc chuông. Theo một số người dùng thì việc này khá bất tiện. Lên đến Android 2.2, thanh trược Sound Off/On sẽ đưa máy về chế độ Vibrate, tức là sẽ rung nếu người dùng có thiết lập và không có nhạc chuông. Đây là điểm cải thiện rất đáng khen của Android 2.2 Một số nhà sản xuất sẽ cho phép bạn trượt để truy cập nhanh một tính năng nào đó, chẳng hạn mail, SMS, điện thoại,… - Ứng dụng và Market: Một trong những yếu tố làm nên sự thành công của Android là những ứng dụng bổ ích và đa phần miễn phí được phát triển cho hệ điều hành này. Ứng dụng trên Android có thể được viết bằng Java, Objective-C và một số ngôn ngữ khác trên bộ SDK (Software Development Kit) được Google phát hành.Những ứng dụng của Android có nhiều quyền tiếp cận tới hệ thống hơn những những ứng dụng trên hệ điều hành đối thủ của mình – iOS, WP7… Ngoài những ứng dụng gọi điện thoại (Phone), nhắn tin (Messaging), trình duyệt (Browser) được Google tích hợp sẵn, người dùng có thể tải những ứng dụng có chức năng tương đương từ Market. Những ứng dụng này phần lớn miễn phí và đôi khi chúng có giao diện cùng khả năng hoạt động còn tốt hơn cả ứng dụng có sẵn. Nhiều nhà phát triển phần mềm lớn như Adobe, Microsoft cũng viết những phần mềm cho Android, chẳng hạn như Photoshop Express, Microsoft Bing,…
Market là “chợ” ứng dụng dành cho Android. Những lập trình viên sau khi viết xong chương trình của mình, qua một loạt giai đoạn đăng kí, kiểm duyệt, ứng dụng của họ sẽ đến với mọi người thông qua kênh phân phối Market. Trên Market có hai loại ứng dụng, đó là thu phí và miễn phí. Ứng dụng miễn phí được phân phối tới mọi quốc gia, trong khi những ứng dụng có thu phí chỉ xuất hiện tại một số vùng nhất định trên thế giới. Số ứng dụng hiện có trên Android rất lớn và ngày càng tăng. Tuy nhiên, do quy trình kiểm duyệt của Google chưa được nghiêm khắc lắm nên một số ứng dụng “rác”, ứng dụng lừa bịp hay ứng dụng “virus” (tạo tin nhắn để làm hao cước người dùng,…) vẫn xuất hiện khá nhiều trên Market, chưa kể đến những phần mềm có nội dung xấu, nội dung người lớn cũng góp mặt đầy đủ. Đây là điểm kém to lớn của Market so với App Store. Do đó, trước khi cài đặt phần mềm, người dùng nên kiểm tra những tính năng mà ứng dụng sẽ khai thác trên điện thoại (chẳng hạn như SMS, Network, File,…). Nếu chức năng đó không phù hợp với lời giới thiệu của phần mềm (chẳng hạn: Ứng dụng xem hình mà cần phải khai thác tin nhắn và cuộc gọi) thì 90% đó là ứng dụng độc hại. - Một số thành phần khác: Ngoài các thành phần cơ bản của hệ điều hành Android được Google đóng gói khi phát hành thì một số tính năng khác cũng được thêm vào tùy theo hãng sản xuất thiết bị chẳng hạn như Flash, Launcher riêng, Đài FM….
Trên đây là những kiến thức cơ bản về các thiết bị di động sử dụng Android và hệ điều hành Android, hy vọng có thể giúp bạn có cái nhìn sơ bộ khi lựa chọn điện thoại thông minh, một trong những thiết bị hết sức phổ biến hiện nay và trong thời gian tới.
Thảo luận tại đây
Lâu lắm mới ghé thăm nơi đây 🙂
Ngày xưa hình như .net
http://www.duyblog.com/2008/11/nhng-ci-khng-ca-v-lm-truyn-k.html