Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe nhắc đến 2 tiếng “Quân tử”. Để chỉ cho những ai có những hành động và việc làm minh bạch, cao thượng. Trong làng võ, tính cách người “Quân tử” càng được giới võ lâm nhắc đến và đề cao. Đối nghịch với quân tử là “tiểu nhân”. “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt!” (Quân tử đạt về cái lý cao minh, còn tiểu nhân đạt về cái lý hèn hạ!). Tiểu nhân ngay từ đầu đã bộc lộ là tiểu nhân, ai nhìn vào cũng thấy, khó mà lầm được, nên dễ đề phòng cảnh giác, tránh xa tiểu nhân để giữ mình. Thói thường, người ta thường thích giao du với người quân tử, xa lánh kẻ tiểu nhân. Nhưng sự đời phân biệt quân tử với tiểu nhân không đơn giản như lựa đậu đen với đậu trắng, mà thực tế chân quân tử và ngụy quân tử lẫn lộn, thật giả khó lường.
Ngụy tức là giả, trá ngụy, dối trá, quỷ quyệt. Từ “ngụy quân tử” để chỉ những kẻ bề ngoài ra vẻ rất chính nhân, quân tử, sẵn sàng “đại nghĩa diệt thân” nhưng sự thật bên trong lại tự tư- tự lợi, thấy lợi quên nghĩa, sẳn sàng làm chuyện đê hèn, ác độc nhất cốt sao có lợi cho bản thân mình, còn mặc kệ người khác “sống chết mặc bây”
Ngụy quân tử trong văn chương
Ai đã từng say mê tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung Tiên sinh hẳn đều biết nhân vật Nhạc Bất Quần – Chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm. Kim Dung Tiên sinh mô tả Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần là một “thư sinh có năm chòm râu dài, mặt đẹp như mặt ngọc, chính khí hiên ngang khiến người phải đem lòng ngưỡng mộ”. Nhạc Bất Quần nổi tiếng giang hồ với ngoại hiệu Quân tử kiếm cho nên lão ta không bao giờ đánh lén, đánh sau lưng người khác, ăn nói mực thước, không bao giờ lên tiếng tranh biện với ai, y kết giao với rất nhiều bạn hào sĩ giang hồ chính phái. Đặc biệt, lão luôn luôn lớn tiếng lên án, thề “không đội nón chung” với bọn giang hồ mà lão cho là “tà ma ngoại đạo”. Trong phần đầu tác phẩm, Nhạc Bất Quần nổi lên như một biểu tượng đẹp đẽ của chính phái, ghét tà phái và bọn tàn ác như kẻ cừu thù. Mỗi khi Nhạc Bất Quần xuất hiện, mọi người đều dùng hai chữ “tiên sinh” để tỏ lòng tôn kính, ca ngợi Nhạc Bất Quần.
Do có bề ngoài đẹp đẽ, đạo mạo, ra dáng văn quan như vậy, cho nên Nhạc Bất Quần mới dễ tạo lòng tin tưởng nơi người khác. Không ai nghĩ rằng trong lòng lão đang chất chứa một thứ tâm địa bất lương. Nếu bề ngoài mà hình dung cổ quái, lưng gù mắt híp như Tái Bắc Minh Ðà Mộc Cao Phong, mở miệng là ghẹo gái như Vạn Lý Độc Hành Điền Bá Quang, hay đã xí trai, già háp mà còn nát rượu như Lệnh Hồ Xung thì thấy cái “bản mẹt” xuất hiện là thiên hạ đã ghét rồi, có muốn làm ngụy quân tử cũng chả ai cho.
Trở lại nhân vật Nhạc Bất Quần, lão thèm được uống rượu be bét như Lệnh Hồ Xung mà ngoài mặt thì lên giọng răn đe đại đệ tử nát rượu. Lão thèm đến chết bí kíp gia truyền “Tịch Tà kiếm phổ” của nhà họ Lâm nhưng lại giả vờ không cần. Lão thấy Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương truyền thụ Độc cô cửu kiếm, sợ Lệnh Hồ Xung nổi tiếng hơn lão nên chỉ muốn giết Lệnh Hồ Xung cho hả giận. Nếu như bọn chân tiểu nhân hễ ghét ai, đố kỵ ai thì nhào dzô uýnh liền, cái ngụy quân tử của Nhạc Bất Quần thể hiện ở chổ lão muốn giết Lệnh Hồ Xung vì đố kỵ nhưng không muốn tự tay mình làm (sợ mất danh tiếng) bèn chơi chiêu “Tá đao sát nhân” (Mượn dao giết người) bằng cách vu khống cho Lệnh Hồ Xung là giao du với bọn “tà ma ngoại đạo” là Lưu Chính Phong và Khúc Dương Trưởng lão.
Khi Doanh Doanh bị bắt giam trong chùa Thiếu Lâm, Lệnh Hồ Xung vì nghĩa với Doanh Doanh bèn tập hợp quần hùng kéo nhau lên chùa Thiếu Lâm gây áp lực đòi phái Thiếu Lâm phải thả Doanh Doanh. Nhạc Bất Quần cũng lò dò lên Thiếu Lâm, ngoài mặt lấy cớ bênh đại đệ tử Lệnh Hồ Xung đòi thả Doanh Doanh, bên trong thì lão chỉ muốn nhân cơ hội này tiêu diệt Chưởng môn các phái để nhảy phắt lên làm Minh chủ võ lâm chớ Lệnh Hồ Xung với Doanh Doanh với lão chẳng là cái đinh gỉ gì đáng để quan tâm. Vì vậy, lão cũng lớn tiếng đòi Thiếu Lâm thả Doanh Doanh, lên án Thiếu Lâm nhưng bên trong ngầm câu kết, đi đêm với Thiếu Lâm, kêu Thiếu Lâm giam Doanh Doanh lâu lâu một chút để “lấy lòng, lấy ruột”, gây cảm tình với Thiếu Lâm. Việc lão xuất hiện ở đây chẳng qua là lợi dụng cơ hội để được thêm nổi danh, lấy tiếng, sợ rằng đệ tử mình mà lại nổi tiếng hơn mình thì uy danh của lão trong giới giang hồ bị chìm đi.
Trong Thủy Hủ truyện có một nhân vật nổi tiếng ngụy quân tử khác là Tống Giang. Tiều Cái là người sáng lập và lãnh đạo Lương Sơn Bạc, nhưng ông không được xếp vào danh sách 108 anh hùng Lương Sơn Bạc vì ông chết trước khi tập hợp được đầy đủ 108 người. Ngô Dụng là nhân vật thứ hai ở Lương Sơn, chỉ đứng sau Tiều Cái. Tống Giang bị đuổi, phiêu bạt không nơi nương tựa, được Tiều Cái thu dụng vào Lương Sơn nương náu, thèm muốn cơ ngơi của Tiều Cái đến nhỏ dãi mà ngoài mặt phải ra vẻ khiêm cung, khéo lấy lòng người khác. Tống Giang tạo danh tiếng cho mình bằng cách luôn xuất hiện đúng lúc nạn nhân sắp chết để ra tay cứu giúp, đúng chiến thuật “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, một hộc lương của vua Trung Sơn cho người sắp chết đói làm người ta mang ơn đến hai đời. Vì vậy, Tống Giang còn có biệt hiệu là Cập Thời Vũ (Mưa đúng lúc). Hãy xem Thi Nại Am Tiên sinh mô tả mô tả cái cách Tống Giang đoạt quyền Ngô Dụng như sau:
“Hôm đó Tiều Cái dẫn năm nghìn binh mã cùng hai mươi vị Đầu lĩnh đến chợ Tăng Đầu liền đóng trại đối với trại giặc bên kia, ngày hôm sau Tiều Cái cùng với các Đầu lĩnh cưỡi ngựa đi ra chợ Tăng Đầu để thăm nom địa thế”. Tiều Cái bị tên độc của Sử Văn Cung bắn trúng mặt, “Khi về đến sơn trại thấy Tiều Cái đã mê mệt, cơm cháo không ăn toàn thân bủng beo rất nhiều nguy hiểm . Tống Giang ngồi luôn trước giường Tiều Cái mà khóc than rất là thảm thiết”
Than ôi! Một Chủ thủy trại xuất binh một lần 5.000 binh mã cùng 20 đầu lĩnh, lực lượng hùng hậu hùng cứ một góc trời như thế mà khi lâm nguy không ai mời nổi một danh y chữa thương, để đến nỗi phải mất mạng. Cái kiểu “ngồi luôn trước giường Tiều Cái mà khóc than rất là thảm thiết” ấy chẳng khác nào mèo khóc chuột, chẳng qua là Tống Giang và tay chân thân tín túc trực xung quanh không cho ai đến gần tiếp xúc với Tiều Cái và ngồi canh me chờ Tiều Cái chết mà không hề thấy ai tỏ thái độ mời danh y đến điều trị vết thương. Trước khi chết Tiều Cái đã có bẻ tên thề ước là ai bắt được Sử Văn Cung sẽ ngồi chiếc ghế trại chủ. Sau đó người bắt được Sử Văn Cung là Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa nhưng người làm chức vụ thủ lĩnh lại là Tống Giang…
Cái ngụy quân tử của Tống Giang còn thể hiện ở chổ bản thân y là kẻ cầm đầu một đám cướp nhưng đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến chuyện được ăn lộc vua. Cuối cùng y đem cả bọn ra hàng Triều đình để mưu cầu địa vị. Sau này, còn vài người như Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng hay Yến Thanh thấy rõ phận “hàng thần lơ láo” mà bỏ đi, số còn lại đều bị giết dần giết mòn, duy ngụy quân tử Tống Giang được “ghi công” nhờ có y mà Lương Sơn nhanh chóng sụp đổ
Ngụy quân tử nguy hiểm hơn chân tiểu nhân là ở chổ đó, 107 vị anh hùng hảo hán Lương Sơn, khi hiểu được Tống Giang thì đã muộn rồi.
Ngụy quân tử trong đời thực
Thời nào cũng có ngụy quân tử. Xã hội ngày nay ngụy quân tử càng nhiều hơn, ở đâu cũng chạm mặt Nhạc bất Quần, đi chổ nào cũng thấy Tống Giang. Nói theo kiểu “bình dân học vụ” là “Một mét vuông có bốn thằng lừa đảo”.
Ngụy quân tử thời nay có cải tiến bề ngoài cho phù hợp “cơ chế” hơn: “Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”, mang danh trí thức, học vị ngất trời, kính trắng gọng vàng, áo quần phẳng phiêu, giày tây đen, trắng trẻo lịch lãm, nói năng nhỏ nhẹ mực thước, v.v… luôn nhân danh công lý bảo vệ lẽ phải, công bằng, vì cái chung…………
Ngụy quân tử thời nay muốn mua danh cho mình thì thấy sự kiện nào gây được sự chú ý, được nhiều người quan tâm, ủng hộ bèn nhào vô lên tiếng tuyên bố này nọ ra chiều cũng tích cực lắm, nhưng chỉ nói miệng mà không làm. Kiểu như Nhạc Bất Quần bênh vực Doanh Doanh đã nói ở phần trên vậy.
Cái đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất của ngụy quân tử đời nay là muốn cho một mình mình nổi danh, không muốn ai “nổi” hơn mình nên kẻ ngụy quân tử sẳn sàng hy sinh đồng đội, đồng liêu, đồng chí hướng với mình, thậm chí sẵn sàng thỏa hiệp, bắt tay với đối thủ theo kiểu “hai bên cùng có lợi”, cốt sao ngụy quân tử được “độc quyền sự kiện” một mình một chợ là được.
Ví dụ: Biết được khát vọng của mọi người đang mong đợi làm được điều gì đó có lợi cho đất nước, để đền đáp tiền nhân. Vậy là nhân vật H nhảy vào tuyên bố hùng hồn: Tôi sẽ làm được điều đó và sẽ làm trong thời gian gần đây. Nhân vật H này còn đưa ra cả kế hoạch, lộ trình phát triển hẳn hoi. Để mọi người vững tin, H ta còn tự đánh bóng tên tuổi mình bằng cách: ngụy tạo cho mình một lý lịch thật kêu, nào là xây dựng võ phái từ năm 19 tuổi ở tận miền Trung, tinh thông Chu dịch, là cử nhân Luật và phủ lên mình chiếc áo của một doanh nhân. Thời gian trôi qua… nhưng lời hứa của H ngày nào vẫn chưa làm được điều gì. Ai hỏi đến thì H bảo đang tiến hành làm. Khi chiếc ghế H ngồi bị lung lay thì H chạy cầu cứu những ai chưa biết rỏ về H. Sau khi ổn định ghế rồi, H không quên hại cả người đã từng giúp H.
Sau này vỡ lẽ ra : H không là cái gì cả. Tinh thông âm dương bát quái, Chu dịch mà không biết quy luật Ngũ hành tương sinh – tương khắc, xếp lộn màu đai tượng trưng cho ngũ hành theo thứ tự: đen, xanh, vàng, đỏ, trắng (đúng ra phải là : đen, xanh, đỏ, vàng, trắng). Cử nhân Luật mà lại không có văn bằng 12. Sáng lập võ phái ở miền Trung nhưng dân ở nơi đó không ai biết gì về võ phái này.
Lẽ thường ở đời : cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra. Một bàn tay không che nổi ánh mặt trời. Trình độ trá ngụy cao siêu cỡ nào rồi cũng có một ngày phơi bày sự thật ra ánh sáng mà thôi.